Bởi họ không chỉ thông thạo kỹ năng, kỹ thuật chụp ảnh và sử dụng các thiết bị chụp ảnh; mà còn bởi họ có niềm đam mê với nhiếp ảnh, thích khám phá những điểm đến mới, biết cách tạo ra những bức ảnh lung linh ở thời điểm đẹp nhất và không quản ngại đường đi khó khăn, ngoằn ngoèo hay trơn trượt, vắng vẻ và hoang vu… Họ là hướng dẫn viên, bởi không chỉ đưa đường dẫn lối cho bạn đến một vùng cảnh sắc thiên nhiên vô cùng mới mẻ và huyền ảo mà bạn ít có cơ hội thưởng thức. Họ là hướng dẫn viên, bởi họ đồng hành cùng bạn suốt chặng đường dài trong đêm tối, giúp đỡ – động viên bạn vượt qua những cảm xúc của sự ngái ngủ, lo lắng và cả sợ hãi…
Cứ khoảng 3h30 sáng, bất cứ ai muốn săn mây – đón bình minh đều có thể tìm đồng đội cho mình tại bùng binh bờ hồ – điểm hẹn của các nhiếp ảnh gia. Cũng vào thời gian đó, một ngày tháng 6, chúng tôi nhập đội của nhiếp ảnh gia Phạm Anh Dũng. Suốt chặng đường dài về hướng núi Lang Biang, trời trong vắt, không một gợn mây… Một vài thành viên bàn nhau đổi hướng. Nhưng, anh Dũng trấn an: “Có mây!”… Và, trời ạ! Từ đỉnh núi nhìn về hướng thành phố sương mù như những dòng sông chảy tràn qua khe núi xa xa, hay uốn lượn giữa những dãy phố. Ánh đèn đường chưa kịp tắt khiến cho khung cảnh thành phố ảo diệu như dải thiên hà. Dù vậy, anh Dũng nhận xét: “Sương mây hôm nay mới đạt khoảng 80% độ đẹp”.
Nhiếp ảnh gia Phạm Anh Dũng là người Đà Lạt, với kinh nghiệm của người đam mê nhiếp ảnh và sinh sống nhiều chục năm ở thành phố mà anh rất yêu quý, anh nhìn trời, mây, hướng gió… là biết được địa điểm nào sẽ thích hợp để chụp được sương mây… Anh cho biết: Chụp hình bằng cảm nhận là chính! Chụp sương chỉ có 1 nguyên tắc là có gió thì khó chụp sương. Vì vậy, muốn chụp sương phải xem hướng gió và tốc độ gió. Mùa mưa thì canh từ đêm hôm trước, sẽ có lúc sáng hôm sau “trời – đẹp – thôi – rồi”.
Còn, nhiếp ảnh gia Trần Quý là người Thành phố Hồ Chí Minh, vì “mê” nên chuyển đến định cư ở Đà Lạt. Theo anh Quý, chụp ảnh sương mây Đà Lạt khó nhất là đoán thời tiết và chọn địa điểm phù hợp với mức sương mù. Vì sương nhiều quá lấp mất các chi tiết, hay ít quá thì cũng không đạt. Thời gian di chuyển để đi chụp cũng tùy theo thời điểm trong năm, ví dụ, tháng 4 phải khởi hành từ lúc 3h30 hay 3h45, còn tháng 10 thì khoảng 4h15-4h30… Chụp sương là lúc ánh sáng rất yếu nên việc di chuyển sẽ khó khăn và nguy hiểm; thiết bị hỗ trợ chụp phải chuẩn bị đầy đủ, đèn pin chuyên dụng, chân máy, dây bấm mềm…
Tuy nhiên, quan điểm của các nhiếp ảnh gia thì mỗi người mỗi khác. Chẳng hạn, Py Trần là nhiếp ảnh gia trẻ tuổi ở Đà Lạt, nhưng đã có bề dày kinh nghiệm chụp ảnh và đã đoạt giải ở một số cuộc thi nhiếp ảnh với nội dung về Đà Lạt. Những góc ảnh Py Trần chụp có nét riêng và mới mẻ, đặc biệt là những khuôn hình ở vùng Cầu Đất – nơi Py Trần sinh sống. Dù vậy, ý kiến của chàng trai là “Thấy đẹp thì chụp chứ có bí quyết gì đâu!”… Nhưng, có nhiếp ảnh gia khác lại khẳng định: “Trước ống kính là công việc nghiêm túc. Muốn thể hiện cảm xúc là sau khi chụp xong, cho nên không bỏ bất cứ khoảnh khắc nào”…
Điều đặc biệt của công việc chụp ảnh săn mây – đón bình minh là, ngoài các vấn đề liên quan đến máy ảnh và kỹ năng chụp ảnh, thì phương tiện di chuyển, bạn đường… vô cùng quan trọng. Không ai có thể đi xe hơi mà leo tới các đỉnh núi; cho nên, chụp ảnh cơ động nhất là xe máy – mà là xe máy số. Vì càng gần đến điểm chụp càng khó đi; có lúc, sẽ phải đi qua toàn rễ cây, hay đoạn dốc chữ V, hoặc những con đường đất nứt nẻ và trơn trượt…
Có một điều đặc biệt thú vị khác chỉ dành riêng cho những người săn mây. Đó là cảnh khắc được ngắm mặt trời mọc. Giữa bồng bềnh sương mây, dần xuất hiện một vùng trời rực sáng; rồi ông mặt trời đỏ thắm từ từ nhô lên, nhuộm hồng cả sương, nhuộm hồng cả mây. Những tia nắng cũng vén dần làn sương mây, hé lộ một cảnh sắc tuyệt vời khác của thành phố, của rừng thông, của kiến trúc, của vườn rau…
Chắc chắn, bất cứ nơi đâu ở Đà Lạt, du khách đều có thể sở hữu những khuôn hình đẹp. Nhưng cách săn mây – đón bình minh cho người xem cảm xúc đặc biệt sung sướng, như thể được lạc vào chốn thần tiên vậy!
Nguồn: copy